VỀ NGUỒN 2024 - NGHĨA TRANG TRƯỜNG SƠN, NGHĨA TRANG ĐƯỜNG 9, THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ
Nhằm lưu giữ truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của cha ông ta để lại, hướng tới 79 năm ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 – 02/9/2024), Công đoàn Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC (SIC) phối hợp cùng Chi đoàn SIC tổ chức chuyến đi về nguồn, dâng hương và tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9 và Khu di tích Thành cổ Quảng Trị.
Tham gia chương trình, về phía Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) có ông Nguyễn Quốc Huy – Phó bí thư Đảng ủy/Thành viên HĐTV/Tổng giám đốc SCIC, ông Đinh Việt Tùng – Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy/Chủ tịch Công đoàn/Phó Tổng giám đốc SCIC, Bí thư Chi bộ/Chủ tịch HĐTV SIC, bà Lê Thị Hoài Diễm – Phó Tổng giám đốc SCIC.
Về phía SIC có bà Nguyễn Thùy Linh – Chi ủy viên/Phó giám đốc phụ trách SIC, ông Nguyễn Quốc Trị - Phó Chủ tịch HĐTV SIC và toàn thể lãnh đạo các phòng ban cùng CBNV SIC.
Đoàn đại biểu làm lễ dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn
Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn là nơi quy tập phần mộ các liệt sĩ của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam và Quân đội Nhân dân Việt Nam, trên tuyến đường Trường Sơn - còn được gọi là đường mòn Hồ Chí Minh. Nghĩa trang được xây dựng tại khu vực Bến Tắt, cạnh đường quốc lộ 15, thuộc địa phận xã Linh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, Việt Nam; cách thành phố Đông Hà, tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Trị khoảng 28 km về phía tây bắc, cách Quốc lộ 1 (đoạn thị trấn huyện lỵ Gio Linh) chừng hơn 20 km về phía tây bắc. Nghĩa trang có diện tích 140.000m², nằm trên 3 quả đồi ở cạnh thượng nguồn sông Bến Hải, ranh giới phân đôi đất nước thời chiến tranh Việt Nam. Đây là nơi Bộ tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã chọn. Đây là một trong 72 nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh Quảng Trị.
Ông Nguyễn Quốc Huy và ông Đinh Việt Tùng thắp nén hương
tưởng nhớ tới các anh hùng liệt sĩ.
Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn
Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9, tiền thân là nghĩa trang liệt sĩ thị xã Đông Hà, xây dựng từ năm 1983-1984, nằm trên một vùng đồi quay mặt ra hướng Quốc lộ 9. Đây là nơi yên nghỉ của gần 11.000 Anh hùng liệt sĩ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận Đường 9 và trên đất Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Khởi công từ năm 1995, hai năm sau thì Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9 khánh thành với 13 tỷ đồng đầu tư vào 16 hạng mục lớn nhỏ.
Ông Nguyễn Quốc Huy – Phó bí thư Đảng ủy/Thành viên HĐTV/Tổng giám đốc SCIC thắp nén hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Đường 9
Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm tại Nghĩa trang Đường 9
Tiếp đó, đoàn công tác thăm Khu di tích Thành cổ Quảng Trị. Thành cổ Quảng Trị còn nổi tiếng là nơi diễn ra trận chiến 81 ngày đêm giữa lực lượng của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam với liên minh Quân đội Hoa Kỳ-Quân lực Việt Nam Cộng hòa có sự yểm trợ tối đa của hỏa lực từ pháo hạng nặng, pháo hạm và B-52 ném bom của quân đội Mỹ. Đây là một trận đánh gây thiệt hại nặng cho cả hai bên và là trận đánh khốc liệt nhất toàn bộ cuộc chiến. Kết quả, Quân lực Việt Nam Cộng hòa tái chiếm được Thành cổ và một phần thị xã nhưng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam giữ được nửa bắc tỉnh Quảng Trị, các vị trí chiến lược ở cực Tây tỉnh Quảng Trị và xung quanh Thành cổ cũng như các vị trí xung yếu trong thị xã. Hiện nay tại bảo tàng Thành cổ Quảng Trị vẫn còn có những di vật, và những bức thư bộ đội gửi vĩnh biệt gia đình trong thời gian xảy ra trận đánh này.
Đoàn công tác làm lễ dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Khu di tích Thành cổ Quảng Trị
Đoàn công tác nghe giới thiệu về Khu di tích Thành cổ Quảng Trị
Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm tại Thành cổ Quảng Trị